“Cần sớm thành lập Hội đồng Học viện Công nghệ BCVT”
- Thứ bảy - 12/03/2016 16:25
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông hướng tới mục tiêu phát triển Học viện theo mô hình của trường đại học hiện đại trên thế giới. |
Ngày 10/3/2016, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đã chủ trì cuộc họp về việc triển khai Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Học viện Công nghệ BCVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo Quyết định 222/QĐ-TTg (Quyết định 222) ngày 4/2/2016.
Trước đó, tại hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước tháng 2/2016 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, việc Học viện Công nghệ BCVT được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động là một cơ hội, một vận hội lớn để Học viện phát triển, nâng tầm vị thế. Với ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy, Bộ trưởng đã đề nghị Học viện và các đơn vị liên quan của Bộ tích cực, quyết liệt triển khai Đề án thí điểm trong thời gian tới, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của năm 2016. Bộ trưởng nhận định: “Cơ chế mới sẽ thực sự tháo gỡ cho Học viện. Trước đây Học viện trực thuộc VNPT nên mọi vấn đề liên quan đến tài chính đều do Tập đoàn quyết định. Sau Quyết định 888 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT - PV), Học viện được tách ra độc lập, tiến tới tự chủ về tài chính. Thế nhưng muốn tự chủ được hiệu quả thì cần phải có cơ chế phù hợp”.
Tại cuộc họp khởi động triển khai Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Học viện Công nghệ BCVT diễn ra sáng 10/3, ông Vũ Văn San, Giám đốc Học viện cho biết, với Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, về căn bản Học viện được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện theo Nghị quyết 77 ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017.
Đặc biệt, theo Đề án này, Học viện có 1 nội dung được thí điểm vượt trội so với 12 trường, học viện khác đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014 - 2017, đó là Học viện được vận dụng cơ chế tài chính, cơ chế tiền lương như doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định 16 ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo ông Vũ Tuấn Lâm, Phó Giám đốc Học viện, ngay sau đợt nghỉ Tết Bính Thân 2016, Học viện đã tổ chức nhiều cuộc họp, trao đổi trong Đảng ủy, Ban giám đốc và đội ngũ cán bộ chủ chốt để thống nhất kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể trong ngắn hạn cũng như các định hướng dài hạn tại Học viện nhằm hiện thực hóa Quyết định 222 của Thủ tướng Chính phủ.
Về định hướng dài hạn, Học viện dự kiến sẽ thành lập Ban tư vấn để nghiên cứu, tư vấn cho trường về việc triển khai các nội dung thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Học viện theo Quyết định 222; đồng thời nghiên cứu, xây dựng trình Bộ TT&TT phê duyệt Chiến lược phát triển Học viện giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó sẽ phấn đấu đăng ký, đưa Học viện trở thành trường trọng điểm quốc gia về ICT trong giai đoạn 2020 - 2025.
Bên cạnh việc xây dựng, trình duyệt Đề án thành lập Phân hiệu Học viện tại TP.HCM trên cơ sở tổ chức, phát triển cơ sở đào tạo Học viện tại TP.HCM trong cuối năm 2016, đầu năm 2017; Học viện cũng sẽ nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện mô hình quản lý, cơ cấu tổ chức theo mô hình quản trị doanh nghiệp, áp dụng phương thức quản lý tiên tiến để nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý của Học viện.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhận định, Học viện đã nghiên cứu rất kỹ, quán triệt được tinh thần và nội dung của Quyết định 222 - Quyết định mà Thủ tướng Chính phủ đã tạo điều kiện, cho phép Học viện được thí điểm cơ chế tự chủ cũng là giao cho trường tự chịu trách nhiệm với các hoạt động.
Nhất trí với dự kiến các nội dung triển khai thực hiện Quyết định 222 của Học viện cả về nội dung ngắn hạn cũng như định hướng dài hạn, tuy nhiên Thứ trưởng cũng chỉ rõ 2 việc Học viện cần phải ưu tiên thực hiện trong thời gian tới, đó là Học viện cần khẩn trương xây dựng dự thảo Quyết định của Bộ trưởng phê duyệt Quy chế tổ chức và hoạt động chính thức của Học viện để thay thế cho Quyết định 1766/QĐ-BTTTT ngày 25/11/2014 của Bộ trưởng ban hành tạm thời Quy chế tổ chức và hoạt động của Học viện để phù hợp với Quyết định 222 và Nghị định 77, Nghị định 16. Theo Thứ trưởng, trong Quyết định mới phải xác định xác định xóa hết tất cả những nội dung bất cập, không phù hợp với quy định hiện nay, nhất là với Quyết định 222.
Thời hạn Thứ trưởng đề ra cho Ban lãnh đạo Học viện để hoàn thành xây dựng, trình phê duyệt Quyết định của Bộ trưởng phê duyệt Quy chế tổ chức và hoạt động chính thức của Học viện là trư��c ngày 15/4/2016.
Việc thứ hai cần được Học viện ưu tiên thực hiện là thành lập Hội đồng Học viện. Theo Thứ trưởng đây là vấn đề cấp thiết, đảm bảo cho việc thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Học viện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Học viện có thể đề xuất 2 phương án để Bộ xem xét, phê duyệt. Trường hợp đã có sự thống nhất cao, không còn băn khoăn thì Học viện cũng có thể chỉ đề xuất 1 phương án thành lập Hội đồng Học viện. “Tinh thần là phải thành lập một Hội đồng Học viện thực sự có quyền hạn, trách nhiệm đúng như trong quy định Điều lệ của trường đại học, chứ không hướng theo loại Hội đồng lập ra để "đối phó”. Hội đồng Học viện lập ra phải hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Học viện”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ngày 4/2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 222/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Học viện Công nghệ BCVT. Đề án hướng tới mục tiêu phát triển Học viện Công nghệ BCVT theo mô hình của trường đại học hiện đại trên thế giới với hệ thống tổ chức, quản lý hiệu quả cao trên cơ sở chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học... Mục tiêu cụ thể của Đề án là nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng sinh viên trúng tuyển đầu vào, bảo đảm người học sau khi tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng cao hơn quy định, theo cam kết được công bố của Học viện; được tiếp cận việc ứng dụng khoa học công nghệ; được rèn luyện kỹ năng và trau dồi phẩm chất đạo đức; phát triển chương trình đào tạo theo chương trình của các trường đại học hiện đại trên thế giới, đáp ứng nhu cầu phát triển TT&TT của xã hội; phát triển quy mô đào tạo một cách hợp lý, phù hợp với nguồn lực của Học viện; chú trọng đào tạo các chương trình chất lượng cao, theo đặt hàng; tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo đại học và sau đại học…
M.T