Cần một đề án chiến lược cho chuyển đổi số giáo dục ở Việt Nam

Thứ tư - 16/12/2020 10:00
Sự thành công của chuyển đổi số ngành giáo dục sẽ góp phần quan trọng vào phát triển nền kinh tế, xã hội số và hình thành quốc gia số. Đây là cơ hội để Việt Nam có thể đuổi kịp, thu hẹp khoảng cách với những nước phát triển.

Những bước đi đầu tiên…


Chia sẻ với VietNamNet, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) cho hay, hiện nay ngành giáo dục và đào tạo đã hoàn tất việc số hóa, gắn mã định danh cho hơn 53.000 cơ sở giáo dục đào tạo, 24 triệu học sinh, sinh viên và 1,4 triệu giáo viên.

Cũng theo ông Hải, một số chính sách chuyển đổi số đã và đang mang lại các kết quả tích cực. Đáng kể nhất là việc quản lý, tổ chức đào tạo trực tuyến trong các trường đại học, triển khai mô hình ứng dụng CNTT trong trường phổ thông, hướng dẫn dạy học trên truyền hình, Internet, công nhận kết quả dạy học qua mạng, sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử,...

Bộ GD-ĐT cũng hợp tác để xây dựng và phát triển kho học liệu số dùng chung (bao gồm cả học liệu mở) với khoảng 5.000 bài giảng e-learning, 2.000 video bài giảng trên truyền hình, 200 thí nghiệm ảo, 200 đầu sách giáo khoa, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm và trên 7.500 luận án tiến sĩ.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, các trường học trên cả nước phải tạm thời đóng cửa, song với phương châm “ngừng đến trường, không dừng học”, các trường đã chuyển sang tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp dạy học trên truyền hình.
 
T00
Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng

Vì vậy, giáo viên, học sinh, sinh viên, giờ đây không còn quá xa lạ với việc học trực tuyến.

Điều khá bất ngờ là nhiều sinh viên thay vì tâm thế phản đối thì giờ đây đã đề nghị được học online. 

“Khi học online, chúng em có thể xem lại bài giảng, không phải di chuyển và tiết kiệm được rất nhiều thời gian” – Nguyễn Hưng, một sinh viên năm 3 Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tâm sự.

Theo TS Lê Việt Thủy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) chỉ sau gần nửa năm, thói quen cũng như tư duy của sinh viên nhà trường đã có sự thay đổi rõ rệt. Đến đầu tháng 8 vừa qua, khi làm một cuộc khảo sát trong toàn trường, đã có 55% sinh viên đề nghị được học trực tuyến.

Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã đưa gần như toàn bộ giáo trình lên hệ thống học liệu số, thay thế cho giáo trình giấy, tiết kiệm được khoảng 2 – 3 tỷ đồng mỗi năm.

Ông Bùi Văn Hồng, Viện trưởng Viện Sư phạm kỹ thuật (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cũng cho hay: “Con số ấn tượng nhất là sự tương tác của sinh viên và giảng viên khi gần như 100% sinh viên, giảng viên nhà trường sử dụng nền tảng và các công cụ dạy học số”.

Giáo dục tiên phong chuyển đổi số

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, ngành GD-ĐT xác định chuyển đối số đóng vai trò rất quan trọng để đổi mới căn bản toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục.

Mục tiêu của ngành GD-ĐT là đi tiên phong và giúp Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu trong chuyển đổi số về giáo dục đào tạo.

Sự thành công của việc chuyển đổi số ngành giáo dục cũng sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển nền kinh tế số, xã hội số và hình thành quốc gia số. Đây là cơ hội để Việt Nam có thể đuổi kịp, thu hẹp khoảng cách với những nước phát triển.

Trước đó, tại hội nghị Bộ trưởng Lao động và Giáo dục ASEAN với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực trong thế giới công việc đang thay đổi” vào tháng 9, Bộ trưởng Nhạ cũng nhìn nhận, hiện nay, năng lực số là không thể thiếu đối với mỗi học sinh.

Năng lực số ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất học tập, việc tìm kiếm nguồn tài liệu học tập, khả năng kết nối tri thức cũng như phát huy năng lực sáng tạo vượt ra khỏi phạm vi một lớp học hay trường học.

Do đó, việc rèn luyện kĩ năng số phải được triển khai từ sớm, ngay từ những cấp học đầu tiên ở các dạng thức đơn giản, phù hợp với lứa tuổi.
 
T001
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ.

Nhận thức được vấn đề quan trọng này, theo ông Nhạ, ngành giáo dục tập trung trang bị cho học sinh những kĩ năng về chuyển đổi số ở mọi cấp học. 

Ngành giáo dục cũng đang xây dựng khung năng lực số cho học sinh, từ bậc mầm non đến phổ thông, trong đó không chỉ dừng lại ở những kĩ năng sử dụng, kiến thức công nghệ mà hướng đến phát triển năng lực tư duy, khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường công nghệ.

Môn Ngoại ngữ và Tin học đã đưa vào giảng dạy ngay từ đầu cấp tiểu học. Giáo dục STEM cũng được đẩy mạnh thông qua việc học tập qua dự án và phát triển các không gian đổi mới sáng tạo trong trường học.

Ngoài ra, bộ trưởng Nhạ khẳng định, hình thức dạy và học trực tuyến sẽ tiếp tục được áp dụng rộng rãi.

“Hiện tại, các trường đại học ở Việt Nam chủ yếu vẫn dạy theo hình thức trực tiếp, nhiều kiến thức chưa được đổi mới. Do đó, sự tác động này sẽ tạo ra động lực để giáo viên làm mới mình, đồng thời kết nối được với đồng nghiệp trên khắp thế giới. Với cách làm như vậy, tôi tin rằng 5-7 năm nữa, Việt Nam sẽ có một thế hệ giảng viên đạt trình độ quốc tế”, ông Nhạ chia sẻ.

Thách thức thay đổi của người thầy

Trong quá trình chuyển đổi, vai trò của giáo viên, vô cùng quan trọng.

NGƯT Nguyễn Tùng Lâm - người đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) – cho rằng ngày nay, giáo viên lúc này không còn là người độc quyền truyền đạt kiến thức cho học sinh. Họ chỉ là một trong những kênh để cung cấp tri thức cho người học.

TS Trương Đình Thăng – Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị cho rằng: Mới 45 tuổi mà đôi khi, tôi đã cảm thấy mình bị đứng lại đằng sau.

“Lượng kiến thức trong thời đại công nghệ thông tin quá lớn. Học trò bây giờ rất giỏi, có thể nói tới những điều mà người thầy không biết chứ không phải chờ thầy nói thì trò mới được mở mang. Học trò có thể học bất cứ ở nơi nào, bất cứ nơi đâu trong thời đại công nghệ số.

Vì vậy, thầy giỏi bây giờ là người hướng dẫn và truyền động lực, đam mê cho học sinh chứ không chỉ là truyền dạy kiến thức” - anh Thăng nói.

Anh Thăng hiện là thành viên Hội đồng khoa học liên ngành Tâm lý học – Giáo dục học của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted), nghiên cứu viên của Trung tâm nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương về Lãnh đạo (trực thuộc Trường ĐH Sư phạm Hongkong).
 
T002
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, vấn đề khó khăn nhất trong quá trình chuyển đổi số giáo dục chính là vấn đề con người. Việc thay đổi tư duy của cán bộ quản lý lẫn phương pháp dạy học của đội ngũ giáo viên, giảng viên là điều không hề dễ dàng.

“Con người phải thay đổi để thích nghi thì chuyển đổi số mới thành công. Bởi lẽ, giờ đây học sinh, sinh viên có quá nhiều kênh thông tin, tài liệu. Người thầy cần phải thay đổi từ việc truyền thụ kiến thức sang biết chọn lọc và tập hợp kiến thức để xây dựng được chương trình, giáo án; đặc biệt phải làm sao cá thể hóa tới từng học sinh”, ông Sơn nói.

Cần một đề án tổng thể

Để chuyển đổi số thành công, đầu tiên và quan trọng nhất là quyết tâm chính trị của toàn ngành giáo dục. Và vì vậy, ngành giáo dục cần có một nghị quyết và một đề án tổng thể về chuyển đổi số, tiếp đến là sự thay đổi một số thể chế về phương thức và mô hình dạy và học

Hiện nay, ngành giáo dục và đào tạo đã có nhiều chủ trương đổi mới nhưng thiếu một công cụ thực thi hiệu quả. Cuộc cách mạng số đã mang đến một công cụ có tính cách mạng, đó là các nền tảng - platforms. Và không chỉ là thực thi hiệu quả, nó còn cho phép ngành giáo dục có những cải cách mạnh mẽ và triệt để hơn nữa.

Các nền tảng - platforms là thứ mà các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể làm được.
 
T003
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại hội thảo
 chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo tại Hà Nội ngày 9/12.
Mục tiêu của chuyển đổi số giáo dục đại học là nâng cao chất lượng đào tạo, nhưng giảm tải cho giáo viên, là đổi mới mô hình dạy và học, là hỗ trợ các công cụ giảng dạy mới cho giảng viên.

Do đó, cần tập trung vào thay đổi mô hình đào tạo thông qua việc áp dụng công nghệ số. Đại học đầu tư xây dựng các nền tảng số để nội dung giảng dạy được để trên nền tảng, giáo viên sẽ tập trung vào việc tạo giá trị tăng thêm trên nền tảng này, đứng trên nền tảng này để giảng dạy. Tinh hoa nhân loại, tinh hoa Việt Nam, tinh hoa đại học, tinh hoa công nghệ sẽ được đưa vào nền tảng.

Bên cạnh đó, nền tảng này không chỉ là nội dung mà còn cả cách thức giảng dạy, cách học, cách thức thi kiểm tra. Làm xong nền tảng này thì mặt bằng đại học sẽ ngay lập tức được nâng lên một mức đáng kể.

Ngoài ra, chuyển đổi toàn bộ trường đại học thành một “quốc gia số” thu nhỏ. Toàn bộ hoạt động của đại học, của giáo viên, của sinh viên sẽ chuyển lên môi trường số. Mỗi người trong đại học sẽ có một định danh số.  Bởi, muốn đào tạo nhân lực thời CĐS thì hãy cho họ sống, học tập và làm việc trong môi trường số, đây cũng là cách đào tạo kỹ năng số tốt nhất.
 
Phát biểu tại hội thảo Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, cho rằng, cuộc CMCN lần thứ 4, mà chủ yếu là công nghệ số và chuyển đổi số (CĐS), mở ra cơ hội để cái mới thay cái cũ.

Nó mở ra cơ hội để “làm ngược” nhưng mang lại kết quả đột phá. Đây cũng là cơ hội cho những người đi sau, nhưng không phải cho những người đi sau đi theo cách của người đi trước.

“Người có quá nhiều quá khứ hoành tráng sẽ không có đủ can đảm để phá huỷ. Và thực ra, họ cũng không có nhu cầu thay đổi vì họ đang no ấm trong cái cũ. Những ai không có gì hay có rất ít thứ trong tay, đang đói khát và khó khăn, thì cơ hội lại nhiều hơn, sự thúc đẩy lại mạnh mẽ hơn. CMCN 4.0 và CĐS tạo ra cơ hội cho các nước đi sau, các nước nghèo, các nước đang phát triển như Việt Nam. Nhưng để tận dụng được cơ hội này thì lãnh đạo phải có quyết tâm chiến lược” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

(Theo VietNamNet)

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây