Ngày 15/10/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) và Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức “Hội nghị ASEAN - UNICEF về Chuyển đổi kỹ thuật số các hệ thống giáo dục trong toàn ASEAN”.Chung tay xây dựng một bộ tiêu chuẩn kỹ năng sốĐây là sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và trong bối cảnh ngành Giáo dục các nước ASEAN đang cố gắng đối phó với COVID-19, đảm bảo cho mọi học sinh được an toàn và không bị gián đoạn việc học.
Hội nghị phù hợp với chủ đề năm Chủ tịch ASEAN 2020 “Gắn kết và chủ động thích ứng”, với một trong năm trọng tâm ưu tiên là “thúc đẩy phát triển thịnh vượng trên cơ sở liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng, tận dụng cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị AIPA
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, hơn hai tháng trước, Hội nghị AIPA với chủ đề “Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục và văn hóa” đã kết luận ưu tiên cấp bách hàng đầu hiện nay là phải đổi mới giáo dục thông qua chuyển đổi kỹ thuật số để giảm thiểu gián đoạn giáo dục trong tương lai.
Bộ trưởng đề nghị: “Tại Hội nghị này, chúng ta với tư cách là những người tiên phong sẽ cùng thảo luận, trao đổi cách thức làm thế nào để hình thành sáng kiến kết nối được công nghệ và ý tưởng tốt”.
Học sinh và giáo viên cần được tiếp cận không hạn chế ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, khai thác, tận dụng tri thức của nhân loại. Vì vậy, nhiệm vụ của Bộ trưởng Giáo dục ASEAN là tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình này, đồng thời thiết lập một nền tảng chung để chia sẻ tài nguyên kỹ thuật số, nhằm thu hẹp khoảng cách tiếp cận giáo dục do chênh lệch công nghệ trong khu vực gây ra.
Để kết nối giáo dục khu vực bền vững, Bộ trưởng cho rằng, cần thúc đẩy chia sẻ kiến thức, trao đổi kinh nghiệm, hiểu biết lẫn nhau, huy động linh hoạt, phân bổ hiệu quả nguồn lực trong khu vực.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của hạ tầng công nghệ, hệ thống giải pháp số đồng bộ trên cơ sở của phát triển công nghệ hiện nay. Đây là cách các Bộ trưởng Giáo dục có thể xây dựng tinh thần trách nhiệm cộng đồng cũng như tầm nhìn khu vực.
Để áp dụng công nghệ rộng rãi và có hệ thống, Bộ trưởng Bộ GDĐT Việt Nam kêu gọi các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN cùng chung tay xây dựng một bộ tiêu chuẩn kỹ năng số thống nhất trong khu vực, hướng tới hình thành một khung năng lực số được các nước thành viên công nhận.
Bộ kỹ năng này rất có giá trị, giúp thúc đẩy năng lực sáng tạo vượt ra ngoài môi trường lớp học hoặc trường học thông thường. Vì vậy, nâng cao kỹ năng số, mở rộng khả năng tiếp cận thế giới số của học sinh phải là ưu tiên hàng đầu, ngay từ cấp học đầu tiên.
Kết nối này được kỳ vọng sẽ tạo ra một tương lai cho tất cả người dân ASEAN, ở mọi lứa tuổi trẻ hay già. “Chúng ta muốn cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn và chúng ta có trong tay những gì cần thiết để thực hiện được tầm nhìn này - đó là việc chia sẻ kinh nghiệm về năng lực kỹ thuật số, kết hợp các nguồn lực để cùng tạo ra bước nhảy vọt”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Bộ trưởng Giáo dục ASEAN đồng thuận nỗ lực “xoá mù” công nghệTrực tiếp tham dự Hội nghị có đại diện 10 Đại sứ quán các nước ASEAN tại Việt Nam, UNICEF Việt Nam, UNESCO Việt Nam, các trường đại học tại Hà Nội và các đối tác công nghệ liên quan. Tham gia trực tuyến có Bộ trưởng Giáo dục và các quan chức cấp cao của 10 nước ASEAN; Ban thư ký ASEAN, UNICEF khu vực, UNESCO khu vực, đại diện trường đại học Harvard, đại diện các đối tác công nghệ liên quan khác.
Toàn cảnh Hội nghị ASEAN - UNICEF về Chuyển đổi kỹ thuật số các hệ thống
giáo dục trong toàn ASEAN
Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện của UNICEF tại Việt Nam cho biết: “Tôi ấn tượng với những nỗ lực và phản ứng rất nhanh của Bộ GDĐT Việt Nam. Tôi cũng rất tự hào về những nỗ lực của ngành GDĐT Việt Nam trong việc đảm bảo duy trì việc học tập của trẻ em khi trường học đóng cửa trong đại dịch COVID-19, đặt ưu tiên cho an toàn của trẻ em lên hàng đầu; đồng thời, có những hỗ trợ kịp thời để đảm bảo sức khoẻ thể chất và tinh thần cho trẻ em khi quay lại trường học”.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội nghị này của Bộ GDĐT Việt Nam, đồng thời, chia sẻ nhiều vấn đề quan trọng.
Trong đó, nêu rõ những cơ hội và thách thức hiện hữu của hệ thống giáo dục trong việc thúc đẩy phát triển kỹ năng số và kỹ năng chuyển đổi số, cũng như kinh nghiệm và giải pháp trong việc bảo vệ trẻ em khỏi các lạm dụng, ảnh hưởng xấu trên mạng.
Từ chia sẻ kinh nghiệm và thách thức, Hội nghị thiết lập đồng thuận giữa các quốc gia thành viên ASEAN để tìm ra giải pháp bền vững, sáng tạo, nhằm tích hợp kỹ năng thông thạo kỹ thuật số cùng kỹ năng có thể chuyển giao trong các hệ thống giáo dục.
Những giải pháp nhằm huy động sự phối hợp liên ngành, bao gồm hợp tác với các đối tác tư nhân, mở rộng quy mô cho việc học tập những kỹ năng số và thu hẹp khoảng cách số cho những nhóm học sinh yếu thế, dễ bị tổn thương nhất.
Những bài học, kinh nghiệm và giải pháp trong việc hỗ trợ giáo viên và học sinh tiếp tục việc học trong thời gian cách ly xã hội, đóng cửa trường học và mở cửa trở lại trường học; kinh nghiệm trong việc “xóa mù” công nghệ, nâng cao kỹ năng số và kỹ năng chuyển đổi số tại các nước thành viên ASEAN và vai trò của trẻ em và thanh thiếu niên trong việc xây dựng những sáng kiến giáo dục mới.
Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN đã thông qua Tuyên bố chung, khẳng định tầm quan trọng của các nỗ lực nhằm xóa mù công nghệ, tăng cường thúc đẩy phát triển kỹ năng số và kỹ năng chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục của các nước thành viên ASEAN; đồng thời nhấn mạnh vai trò của trẻ em, thanh thiếu niên và công việc trong tương lai trong chuyển đổi kỹ thuật số các hệ thống giáo dục.
Các Bộ trưởng đồng thuận: nỗ lực phấn đấu học tập suốt đời và chuyển đổi kỹ thuật số các hệ thống giáo dục trong ASEAN; thúc đẩy tiếp cận các cơ hội học tập kỹ thuật số an toàn, khuyến khích khu vực tư nhân hợp tác, đưa ra các giải pháp đổi mới về kiến thức kỹ thuật số, trang bị kỹ năng cho trẻ em và thanh thiếu niên trước các công việc trong tương lai; hợp tác với các bên liên quan trong các lĩnh vực như tài nguyên giáo dục mở và học tập truy cập mở; hỗ trợ xây dựng Tuyên bố ASEAN về Chuyển đổi Kỹ thuật số các Hệ thống Giáo dục trong những năm tiếp theo nhằm thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm và cách làm hiệu quả.
Bộ trưởng các nước cam kết thực hiện tuyên bố nói trên và tích hợp kiến thức kỹ thuật số vào Kế hoạch Công tác ASEAN về Giáo dục giai đoạn 2021-2025.
Trong những năm qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực trong thực hiện chuyển đổi số giáo dục. Thực hiện Đề án đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động của ngành Giáo dục, Bộ GDĐT đã triển khai nhiều nhiệm vụ và đạt được kết quả quan trọng về nhân lực số, nội dung số, quản lý giáo dục trên nền tảng số hoá. Đến nay đã có hơn 7.000 bài giảng e-learning và gần 200 đầu sách giáo khoa được số hóa và chia sẻ trên Internet tại địa chỉ igiaoduc.vn. Bộ GDĐT đã đánh mã định danh và số hóa thông tin hồ sơ của 23 triệu học sinh, hồ sơ của 1,4 triệu giáo viên thuộc 53 ngàn trường học trên cả nước; giúp ngành Giáo dục thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, kế hoạch, đánh giá, dự báo về các hoạt động giáo dục. Hiện nay, Bộ GDĐT đang xây dựng khung năng lực số cho học sinh, từ bậc mầm non đến phổ thông, trong đó không chỉ dừng lại ở những kỹ năng sử dụng, kiến thức công nghệ mà hướng đến phát triển năng lực tư duy, khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường công nghệ Theo số liệu báo cáo PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ngày 29/9/2020, việc học trực tuyến phòng chống Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Cụ thể, Việt Nam có 79,7% học sinh được học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%). Bộ GDĐT đang chuẩn bị ban hành quy chế quản lý dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông, tạo hành lang pháp lý để hình thức dạy học trực tuyến được công nhận như một phương thức bổ trợ cho dạy học trực tiếp và được công nhận kết quả. |