Đánh giá chương trình và sách giáo khoa phổ thông

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có công văn số 1678/BGDĐT-VP ngày 04/3/2008 hướng dẫn các Sở GD&ĐT tổ chức đánh giá chương trình, sách giáo khoa phổ thông.

Để đạt mục tiêu đề ra, Bộ GD&ĐT hướng dẫn cụ thể về việc quán triệt mục đích yêu cầu, phạm vi đánh giá và nội dung, quy trình đánh giá chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) phổ thông như sau:

I. VỀ QUÁN TRIỆT MỤC ĐÍCH YÊU CẦU VÀ PHẠM VI ĐÁNH GIÁ

1. Mục đích đánh giá:

a) Đối chiếu với quy định tại Điều 29 của Luật Giáo dục năm 2005 về Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa để đánh giá những ưu điểm và hạn chế của CT-SGK phổ thông;

b) Từ kết quả đánh giá, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét để tiếp tục hoàn thiện CT-SGK nhằm thực hiện có hiệu quả Mục tiêu của giáo dục phổ thông đã được quy định tại Điều 27 của Luật Giáo dục năm 2005.

2. Yêu cầu đánh giá:

a) Việc đánh giá phải khách quan, khoa học, chính xác trên cơ sở nghiên cứu sâu sắc toàn diện nội dung CT-SGK và từ thực tiễn giảng dạy của giáo viên, học tập của học sinh các vùng miền khác nhau trong cả nước trong thời gian qua.

Việc đánh giá phải đặt trong bối cảnh của cả nước và cả quá trình thực hiện CT-SGK, mỗi bộ CT-SGK phổ thông ban hành sẽ áp dụng trong nhiều năm, khi đánh giá có tính đến đặc điểm của giai đoạn ban đầu trong quá trình thực hiện CT-SGK.

b) Ý kiến đánh giá phải toàn diện, cụ thể, tránh chỉ đưa ra những nhận định ưu khuyết điểm, khen chê chung chung, khó tiếp thu để hoàn thiện CT-SGK.

3. Phạm vi đánh giá:

Thực hiện đánh giá Chương trình giáo dục phổ thông từ lớp 1 đến lớp 11 ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đồng thời đánh giá SGK từ lớp 1 đến lớp 11 và CT-SGK thí điểm phân ban lớp 12 (đối với các trường THPT có thực hiện thí điểm phân ban).

II. VỀ LẬP KẾ HOẠCH ĐÁNH GIÁ CỦA SỞ GD&ĐT

Các Sở GD&ĐT lập Kế hoạch tổ chức đánh giá CT-SGK phổ thông để chỉ đạo đến các trường THPT và các Phòng GD&ĐT với các nội dung chính sau đây:

1. Về mục đích, yêu cầu và phạm vi đánh giá.

2. Kế hoạch tổ chức thực hiện của Sở (loại công việc, thời gian tổ chức hội thảo cấp Phòng GD&ĐT, cấp Sở GD&ĐT, ngày nộp báo cáo lên cấp trên):

a) Hoạt động đánh giá CT-SGK của các trường THCS và THPT:

- Họp các tổ chuyên môn: Lấy ý kiến của tất cả giáo viên đối với CT-SGK từng môn của các lớp trong cả cấp học, tổng hợp báo cáo với nhà trường;

- Lấy ý kiến của học sinh, cha mẹ học sinh (nếu được Sở GD&ĐT hoặc Phòng GD&ĐT phân công);

- Dự thảo Báo cáo đánh giá CT-SGK phổ thông của nhà trường (theo hướng dẫn tại Phụ lục kèm theo Công văn số 1678/BGDĐT-VP nói trên);

- Tổ chức Hội thảo cấp trường (thành phần tham dự gồm: Ban Giám hiệu, lãnh đạo các bộ phận công tác, toàn thể hoặc đại diện giáo viên trực tiếp giảng dạy và nhân viên phụ trách thí nghiệm, thực hành): Lấy ý kiến góp ý với Dự thảo báo cáo đánh giá CT-SGK của nhà trường.

b) Công tác đánh giá của Phòng và Sở GD&ĐT: Thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục nói trên; các Phòng lập Kế hoạch và báo cáo với Sở (Kế hoạch cần ghi rõ thời gian tiến hành Hội thảo cấp Phòng GD&ĐT và cấp Sở GD&ĐT).

Lưu ý:

(i) Việc thực hiện đánh giá CT-SGK cấp Tiểu học thực hiện như hướng dẫn tại Phụ lục nói trên.

(ii) Khi góp ý các vấn đề liên quan đến việc thực hiện CT-SGK (Sách bài tập; Tài liệu tự chọn; Kế hoạch giáo dục các cấp học; Phân phối chương trình; tổ chức phân ban; thiết bị dạy học; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; kiểm tra, đánh giá, thi cử...) cần ghi thành mục riêng để tiện cho việc tổng hợp.

(iii) Nội dung ý kiến đánh giá CT-SGK khi đưa vào văn bản cần ghi rõ: ưu điểm; hạn chế và đề xuất để hoàn thiện CT, chỉnh lý SGK như đã hướng dẫn tại Phụ lục nói trên. Ý kiến đánh giá CT-SGK cần diễn đạt rõ:

- Phần nào cần bổ sung, lý do?

- Phần nào cần điều chỉnh (nội dung, hình thức trình bày), lý do?

- Phần nào cần cắt bỏ, lý do?

- Phần nào không cần thay đổi nhưng cần quy định điều kiện tổ chức thực hiện cho có hiệu quả (chia nhỏ lớp, bổ sung thiết bị dạy học, vẫn để trong CT-SGK nhưng tạm thời chưa đưa vào kế hoạch giáo dục), lý do?

Khi góp ý phải nói rõ đề cập đến phần nào của CT-SGK (phần nào của văn bản CT giáo dục phổ thông; SGK môn nào, tập nào, chương trình chuẩn hay nâng cao, lớp nào, năm xuất bản, chương, bài, trang, dòng nào).

III. VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Đánh giá CT-SGK phổ thông là một công tác quan trọng để tiếp tục hoàn thiện CT-SGK nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu của giáo dục phổ thông đã được Luật Giáo dục quy định. Việc tổ chức thực hiện đánh giá CT-SGK cần được chỉ đạo nghiêm túc, chặt chẽ, dân chủ từ các cơ quan quản lý giáo dục đến các trường học; tránh làm qua loa, đại khái, khen chê chung chung thiếu căn cứ.

Nhận đ­ược công văn này, yêu cầu các Sở GD&ĐT lập Kế hoạch tổ chức thực hiện đánh giá CT-SGK và gửi về Bộ GD&ĐT (qua Vụ GDTH và Vụ GDTrH) trước ngày 20/3/2008 để Bộ GD&ĐT có thể cử các tổ công tác đến dự. Đồng thời, chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, các trư­ờng phổ thông khẩn trương triển khai thực hiện Kế hoạch và báo cáo kết quả của Sở GD&ĐT về Bộ GD&ĐT trước ngày 15/4/2008 như yêu cầu tại công văn nói trên.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
(đã ký)
Nguyễn Vinh Hiển

Nơi nhận:
- Nh­ư trên;
- PTT-Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để ph/hợp);
- Vụ GDTH;
- Viện CL-CTGD;
- Website Bộ GD&ĐT;
- Lưu: VT, Vụ GDTrH.

Số kí hiệu 2093/BGDĐT-GDTrH
Ngày ban hành 14/03/2008
Ngày bắt đầu hiệu lực 14/03/2008
Ngày hết hiệu lực
Thể loại Công văn
Lĩnh vực GDĐT
Cơ quan ban hành Bộ GDĐT
Người ký Nguyễn Vinh Hiển

 File đính kèm

Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây