Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục

Thứ sáu - 04/11/2022 08:01
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Khánh Hòa vừa ban hành Đề án Chuyển đổi số ngành GD-ĐT tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án đã vạch ra những mục tiêu, lộ trình cụ thể nhằm chuyển đổi các hoạt động quản lý, nội dung dạy học sang quy trình nghiệp vụ trên môi trường mạng, hướng tới xây dựng mô hình giáo dục thông minh.

Xây dựng trung tâm điều hành về giáo dục

Ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, thời gian qua, ngành GD-ĐT tỉnh đã triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, điều hành, tổ chức giảng dạy, bước đầu xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành phục vụ thông tin quản lý giáo dục. Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật và các trang thiết bị còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục thông minh, chưa có tính hệ thống và chưa đồng bộ. Trong xu thế chuyển đổi số nói chung, việc xây dựng Đề án Chuyển đổi số ngành GD-ĐT tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 có vai trò quan trọng, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.
 
T11
Phòng Tin học tại Trường THCS và THPT Nguyễn Thái Bình (huyện Khánh Vĩnh) vừa được trang bị máy tính mới.

Theo đề án, việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động điều hành và quản lý giáo dục sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn. Giai đoạn 2022-2023, toàn ngành sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu và Trung tâm Điều hành về GD-ĐT tỉnh (IOC giáo dục), phục vụ nhu cầu quản lý giáo dục ở địa phương. IOC giáo dục hoạt động giống như “bộ não” trung tâm, kết nối với các lĩnh vực thành phần như trường học, lớp học, giáo viên, học sinh..., cho cái nhìn toàn diện về hệ thống giáo dục. Từ đó, cho phép UBND tỉnh, Sở GD-ĐT và các phòng GD-ĐT đưa ra quyết định điều hành với thông tin đầy đủ, chính xác và trực tuyến. Bên cạnh đó, ngành cũng triển khai phần mềm quản lý thư viện; hoàn thiện các phần mềm phục vụ công tác quản lý, điều hành và quản lý nhà trường; số hóa dữ liệu ngành; triển khai các ứng dụng CNTT nhằm đổi mới nội dung, phương pháp dạy, học, kiểm tra, đánh giá…

Trong giai đoạn 2023 - 2025, các ứng dụng CNTT sẽ tiếp tục được tăng cường, từng bước hình thành hệ sinh thái giáo dục thông minh, chuẩn bị tốt điều kiện cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục. Bên cạnh đó, ngành sẽ đẩy mạnh các hình thức học tập và thi trực tuyến; mô hình lớp học thông minh, trường học thông minh; áp dụng các hình thức học tập tiên tiến như: STEM, robotics... vào các trường phổ thông. Đến năm 2030, toàn ngành định hướng xây dựng giáo dục Khánh Hòa theo hướng giáo dục thông minh, bao gồm các ứng dụng hỗ trợ công tác quản lý, dạy và học, phục vụ cộng đồng; triển khai hệ thống thi trực tuyến, hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục; đẩy mạnh tích hợp chữ ký số vào quản lý giáo án điện tử, học bạ điện tử, số hóa hồ sơ, sổ sách quản lý giáo dục; xây dựng hệ thống nhận dạng, xác thực người dùng, thẻ học sinh thông minh…

Cần đầu tư đồng bộ, hiện đại

Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2025, tất cả quy trình và hồ sơ công việc tại Sở GD-ĐT và phòng GD-ĐT sẽ được xử lý trên môi trường mạng (trừ các quy trình công việc thuộc phạm vi bảo mật theo quy định); 50% hoạt động kiểm tra của sở, phòng GD-ĐT được thực hiện thông qua môi trường mạng và hệ thống cơ sở dữ liệu ngành; 100% hồ sơ của giáo viên, học sinh chuyển đổi thành hồ sơ điện tử. Ngoài ra, 100% giáo viên cung cấp bài dạy, tài liệu dạy học trực tuyến cho học sinh; tất cả các trường THCS, THPT triển khai công tác dạy học, kiểm tra trực tuyến cho học sinh theo quy định của Bộ GD-ĐT… Đến năm 2030, 100% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% đơn vị triển khai hệ thống thông tin điều hành trường học thông minh; tất cả quy trình kiểm định chất lượng giáo dục được thực hiện trên phần mềm trực tuyến…

Theo ông Võ Hoàn Hải, để đạt được những mục tiêu đề ra, cần phải xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng CNTT và trang thiết bị dạy học cho ngành GD-ĐT của tỉnh đủ mạnh, đồng bộ và hiện đại. Trong đó, cần đầu tư mua sắm thiết bị, hệ thống truyền hình trực tuyến, kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước về GD-ĐT, phục vụ họp chỉ đạo điều hành và giao ban trực tuyến, tổ chức hội nghị, hội thảo. Đồng thời, tổ chức các chương trình bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ, giáo viên. Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu xây dựng các bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số trên các lĩnh vực hạ tầng, nền tảng số và an toàn thông tin; phát triển nhân lực số; nguồn lực; xây dựng thể chế; hoạt động quản trị số; hoạt động dạy - học số và hoạt động dịch vụ số học đường. Nếu được xây dựng và ban hành, bộ chỉ số sẽ giúp các cơ sở GD-ĐT tiết kiệm được rất nhiều thời gian để thực hiện công cuộc chuyển đổi số.
 
Kinh phí ước tính để thực hiện Đề án Chuyển đổi số ngành GD-ĐT tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 gồm: Vốn đầu tư phát triển cấp tỉnh 1,6 tỷ đồng, cấp huyện 9,6 tỷ đồng; vốn sự nghiệp cấp tỉnh hơn 11,6 tỷ đồng, cấp huyện hơn 48,1 tỷ đồng; các nguồn xã hội hóa.

Tác giả bài viết: H.NGÂN

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây