Tham dự Phiên họp có các thành viên Hội đồng Giám đốc CNTT của cơ quan nhà nước khối cơ quan Trung ương đến từ các Bộ, ban, ngành Trung ương.
Tại Phiên họp, đại diện Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT đã công bố nội dung Quyết định số
814/QĐ-BTTTT ngày 18/5/2016 của Bộ trưởng Bộ TT&TT về việc kiện toàn Hội đồng Giám đốc CNTT của cơ quan nhà nước khối cơ quan Trung ương.
Theo đó, Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn cho Bộ TT&TT và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xây dựng các chủ trương, chính sách quản lý CNTT, xây dựng các văn bản hướng dẫn về an toàn thông tin, ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử. Cụ thể: Tư vấn xây dựng chính sách tiêu chuẩn, quy chuẩn về ứng dụng CNTT, an toàn thông tin; Tư vấn xây dựng chính sách, văn bản hướng dẫn về quản lý đầu tư trong ứng dụng CNTT; Tư vấn lựa chọn các mô hình giải pháp ứng dụng CNTT hiệu quả trong cơ quan nhà nước để xem xét triển khai nhân rộng; Tư vấn sử dụng tối ưu các nguồn lực, nguồn đầu tư của Chính phủ cho các dự án CNTT; Tư vấn đánh giá hiệu quả triển khai ứng dụng CNTT; Tư vấn các xu hướng và công nghệ mới về CNTT.
Triển khai Quyết định số 814/QĐ-BTTTT, ngày 27/5/2016, Hội đồng Giám đốc CNTT của cơ quan nhà nước khối cơ quan Trung ương đã ban hành Quyết định số 02/QĐ-HĐGĐCNTTCQTƯ về Quy chế hoạt động của Hội đồng, trong đó nêu rõ trách nhiệm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên Hội đồng. Về phương thức hoạt động, Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tư vấn, dân chủ, cởi mở. Các ý kiến, tư vấn góp ý của các thành viên Hội đồng trao đổi qua thư điện tử và trên trang thông tin điện tử của Hội đồng cio.gov.vn. Hội đồng họp định kỳ tối thiểu một lần/năm hoặc đột xuất theo quyết định của Chủ tịch Hội đồng hoặc theo đề xuất của thành viên được Chủ tịch Hội đồng đồng ý.
Tại Phiên họp, liên quan đến việc triển khai
Quyết định 80/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước, ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ CNTT - Bộ TT&TT chỉ rõ một số vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực tế tại các Bộ, ngành, địa phương. Hiện tại, một số địa phương đang triển khai thử nghiệm thuê dịch vụ CNTT trong hệ thống y tế, hệ thống dịch vụ công trên cơ sở biên bản ký kết hợp tác. Loại biên bản này không có điều khoản rõ ràng, chặt chẽ nên khi chuyển sang ký kết hợp đồng sẽ có nhiều khó khăn cho bên đi thuê.
Cũng theo ông Đào Đình Khả, về phía doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT không “mặn mà” công bố danh sách các dịch vụ mình cung cấp vì cho đây là bí mật kinh doanh cần giữ kín, trong khi Quyết định 80/2014/QĐ-TTg đòi hỏi phải công bố công khai các dịch vụ này.
Một khó khăn lớn khác cũng được ông Đào Đình Khả nêu ra là về nguồn lực tài chính. Với nguồn chi sự nghiệp, nguồn kinh phí chi thường xuyên cho ứng dụng CNTT rất hạn chế. Đối với dịch vụ CNTT thuê từ 2 năm trở lên, nguồn chi sự nghiệp được phân bổ hàng năm sẽ không bảo đảm tính ổn định, liên tục. Còn đối với nguồn chi đầu tư phát triển, khi kết thúc hợp đồng, cơ quan nhà nước chỉ được sở hữu dữ liệu phát sinh trong quá trình thuê, không được sở hữu các sản phẩm phần cứng, trang thiết bị… Ông Đào Đình Khả đề xuất trong trường hợp này, cần xem xét đưa ra mô hình thuê sau đó bàn giao cho cơ quan nhà nước toàn bộ hệ thống.
Ngoài ra, cũng theo ông Đào Đình Khả, còn hàng loạt khó khăn khác cần phải giải quyết trong quá trình triển khai Quyết định 80/2014/QĐ-TTg, nổi bật là: Khâu lập, thẩm định dự toán thuê dịch vụ; Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong trường hợp thay đổi hoặc phá sản; Các yêu cầu kỹ thuật nhằm bảo đảm kết nối liên thông và chất lượng dịch vụ…
Ông Nguyễn Thanh Bình, Quyền Giám đốc Trung tâm thông tin - Bộ Nội vụ, lưu ý cần đặc biệt thận trọng khi thuê dịch vụ CNTT liên quan đến xây dựng cơ sở dữ liệu. Ông cũng cho rằng hiện nay có một khoảng trống về quản lý nhà nước đối với thông tin cơ sở dữ liệu.
Đại diện Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng chia sẻ quan điểm: Cần cân nhắc, đánh giá thiệt hơn đối với loại dịch vụ nào thì đi thuê, loại dịch vụ nào thì tự đầu tư. Chỉ nên đi thuê đối với những dịch vụ đã có sẵn trên thị trường, nôm na là nên dùng dịch vụ “may sẵn” thay vì “may đo”.
Cũng tại phiên họp, Giám đốc CNTT đến từ các Bộ, ngành cũng cùng nhau thảo luận về tổ chức, chức năng nhiệm vụ của đơn vị chuyên trách CNTT tại các Bộ, ngành. Theo đó, hiện nay không có mô hình tổ chức thống nhất cho các đơn vị chuyên trách CNTT, ở một số Bộ đó là nhiệm vụ của Trung tâm Thông tin, trong khi ở các Bộ khác nhiệm vụ đó thuộc về Cục CNTT. Cổng Thông tin điện tử cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tại các Bộ, ngành, Cổng TTĐT hoặc thuộc quyền quản lý của Văn phòng hoặc của Trung tâm Thông tin. Tại địa phương, trực thuộc UBND tỉnh hoặc Sở TT&TT.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, Bộ TT&TT sẽ có báo cáo lên Chính phủ về mô hình tổ chức thống nhất cho các đơn vị chuyên trách CNTT tại các Bộ, ngành. Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị này cũng cần nỗ lực khẳng định vai trò về ứng dụng CNTT của mình ở các Bộ, ngành trực thuộc. Thứ trưởng lưu ý CNTT bao giờ cũng cần song hành với an toàn thông tin.
Tại Phiên họp, đại diện Cục Tin học hóa đã giới thiệu nội dung Quy chuẩn số 102:2016 về cấu trúc mã định danh và định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối các hệ thống quản lý văn bản điều hành. Quy chuẩn này sẽ có hiệu lực từ 1/10/2016. Quy chuẩn được xây dựng để quy định một số nội dung tối thiểu phục vụ việc kết nối các hệ thống quản lý văn bản điều hành. Quy chuẩn không quy định chi tiết về thiết kế, giải pháp kết nối các hệ thống quản lý văn bản điều hành.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đánh giá cao những ý kiến của Giám đốc CNTT các Bộ, ngành, đặc biệt là các ý kiến liên quan đến việc thuê dịch vụ CNTT. Thứ trưởng yêu cầu Vụ CNTT phối hợp với Cục Tin học hóa hoàn thiện báo cáo, trong đó đề xuất tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong triển khai Quyết định 80/2014/QĐ-TTg để trình lãnh đạo Bộ và Chính phủ.
Thứ trưởng chỉ đạo cần tiếp thu ý kiến xây dựng Đề án trình Chính phủ và Bộ Nội vụ thống nhất mô hình đơn vị chuyên trách CNTT (trong đó có an toàn thông tin) theo tinh thần xây dựng Cục chuyên trách về CNTT tại các Bộ, ngành.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Tin học hóa sớm phối hợp tổ chức tập huấn việc triển khai Quy chuẩn số 102:2016 về cấu trúc mã định danh và định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối các hệ thống quản lý văn bản điều hành. Các đợt tập huấn chia làm hai nhóm: Bộ ngành địa phương và doanh nghiệp. Cần tổ chức sớm các đợt tập huấn trước khi Quy chuẩn có hiệu lực từ 1/10/2016.