Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Internet.
Tại Vietnam ICT Summit 2016 vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ bày tỏ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển của công nghệ, của Internet vạn vật (Internet of Thing - IoT), trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, tự động hóa... đang làm thay đổi cuộc sống nhanh chóng với sự xuất hiện của xe tự lái, nhà thông minh và hàng loạt các dạng robot thay thế lao động con người.
Với sự phát triển nhanh chóng của những công nghệ mới này, trong đó trọng tâm là CNTT, tốc độ phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ theo cấp số nhân, tác động rộng lớn đến kinh tế xã hội và môi trường. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn.
Cuộc cách mạng số cũng đem lại cơ hội rút ngắn khoảng cách phát triển cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, giúp các nước phát triển sau có thể nâng cao vị thế của mình khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng cũng đặt ra nguy cơ bị bỏ lại phía sau nếu không có những chiến lược và chính sách đúng đắn để bắt kịp với xu thế mới.
Ví dụ như mới đây, nước Đức đã thử nghiệm sản xuất giày Adidas hoàn toàn bằng robot và công nghệ in 3D để đưa việc sản xuất trở lại các cường quốc. Việc làm này có thể làm mất việc làm của hàng triệu người, trong đó có nhiều người Việt Nam.
Ông Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, trong cuộc đua đó, các quốc gia không thể chỉ dựa vào những lợi thế về vốn, công nghệ và tài nguyên khoáng sản sẵn có của mình mà phải tìm đến các lợi thế khác về năng lực sáng tạo và khai thác trí tuệ con người. Việt Nam cũng rất khó để dựa vào những yếu tố về vốn, công nghệ và tài nguyên khoáng sản.
Nhưng bù lại, Việt Nam lại có rất nhiều dư địa về tài nguyên con người. Đó là một thế hệ dân số trẻ, có khả năng tiếp cận và thích nghi nhanh với CNTT và giáo dục đào tạo sẽ là chìa khóa để Việt Nam phát huy lợi thế so sánh này.
Đây là cơ hội những cũng là trách nhiệm và thách thức rất lớn của ngành giáo dục và đào tạo.
Để mở rộng cánh cửa cho thế hệ trẻ Việt Nam, người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định ngành giáo dục và đào tạo sẽ triển khai sâu rộng việc dạy và học CNTT, tiếng Anh ở các bậc học theo hướng hội nhập quốc tế. CNTT và tiếng Anh là hai yếu tố nền tảng giúp thế hệ trẻ chủ động tiếp cận với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư nói chung và cách mạng số nói riêng.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tập trung phát triển nguồn nhân lực CNTT đáp ứng được đòi hỏi cao của thị trường lao động về CNTT trong nước và quốc tế, tiến tới nắm bắt những công nghệ mũi nhọn và xây dựng đội ngũ chuyên gia làm chủ công nghệ, đặc biệt về IoT và SMAC…
Tác giả bài viết: H.P
Nguồn tin: ictnews.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn