Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, các Bộ phải nỗ lực giải quyết vấn đề cải cách hành chính. Nguồn: VietQ |
Phát biểu tại buổi họp Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết: “Việc triển khai Chính phủ điện tử ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gặp khó khăn. Chúng tôi muốn làm khoảng 10 dịch vụ công cấp độ 3 và cấp độ 4 nhưng vốn hiện nay cấp chỉ đủ làm khoảng 6 dịch vụ”.
Trước vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, các Bộ phải nỗ lực giải quyết vấn đề cải cách hành chính. “Mới đây, chúng ta thực hiện cải cách hành chính, việc này không tốn chi phí nhiều nhưng đem lại hiệu quả lớn cho nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh tăng hạng. Vì vậy, các Bộ phải chú ý đến cải cách hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Vừa rồi, chúng ta làm quyết liệt thì đã có 8 Bộ thực hiện kết nối một cửa và cần tiếp tục làm quyết liệt vấn đề này”, Thủ tướng nói
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói tiếp: “Nghị quyết 36a về xây dựng Chính phủ điện tử là chính sách rất quan trọng đối với cải cách hành chính. Chi phí cho việc này không nhiều, các Bộ ngành cứ thuê dịch vụ CNTT mà làm, Chính phủ đã có cơ chế cho phép các Bộ thuê dịch vụ CNTT. Các Bộ không nên làm theo kiểu cũ, vừa tốn biên chế, không chuyên nghiệp mà không hiệu quả. Các Bộ có thể thuê các doanh nghiệp như VNPT, Viettel … vì đây là những đơn vị chuyên nghiệp. Vừa rồi, tôi hỏi Bảo hiểm xã hội có làm được không, các đồng chí bảo làm được. Nếu kết nối bảo hiểm xã hội đã giảm thất thoát mười mấy nghìn tỷ đồng một năm. Điều đó cho thấy việc triển khai này hoàn toàn trong năng lực của chúng ta, không có tốn kém cả”.
Về nguyên tắc phân bổ và sử dụng kinh phí thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, kinh phí cho việc thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước được lấy từ nguồn kinh phí chi sự nghiệp, nguồn kinh phí đầu tư phát triển và các nguồn vốn Nhà nước hợp pháp khác.
Trường hợp thuê dịch vụ CNTT sử dụng nguồn kinh phí chi sự nghiệp, kinh phí cho việc thuê dịch vụ CNTT là kinh phí được giao để thực hiện các nhiệm vụ không thường xuyên, không thực hiện chế độ tự chủ của cơ quan nhà nước. Chủ trì thuê dịch vụ thực hiện việc lập kế hoạch theo hướng dẫn tại Điều 7 Quyết định này và Luật Ngân sách nhà nước.
Đối với trường hợp thuê dịch vụ CNTT sử dụng nguồn kinh phí đầu tư phát triển, chủ trì thuê dịch vụ lập dự án theo hướng dẫn tại Điều 7 của Quyết định này và các quy định của pháp luật về đầu tư công.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, hoạt động thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước phải chịu sự giám sát, theo dõi, kiểm tra, đánh giá định kỳ về mặt chuyên môn, xác định mức độ đạt được so với yêu cầu của bên thuê, do cơ quan chuyên môn có thẩm quyền tiến hành, hoặc yêu cầu báo cáo nhằm bảo đảm việc thuê dịch vụ CNTT đạt hiệu quả, phù hợp với mục tiêu, chương trình và kế hoạch ứng dụng và phát triển CNTT trong cơ quan nhà nước.
Tác giả bài viết: Thái Khang
Nguồn tin: ictnews.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn