Hacker đang gia tăng tấn công, đánh cắp dữ liệu của các tổ chức, doanh nghiệp. |
Theo đánh giá của Microsoft, thế giới đang phải đối mặt với sự mất an toàn thông tin ngày càng gia tăng, liên quan đến chủ quyền số và chiến tranh mạng. Trong bối cảnh đó, tại Việt Nam, sự hiện đại hóa của các doanh nghiệp, ngành tài chính, ngân hàng cũng như các cơ quan chính phủ, dịch vụ công đồng nghĩa với thực tế ngày càng phải đối mặt với các cuộc tấn công mạng và những mối đe dọa an ninh mạng.
Các mối đe dọa mạng gồm nhiều loại, từ làm hư hại hệ thống, gian lận ngân hàng trực tuyến, tấn công từ chối dịch vụ (DDoS), đánh cắp dữ liệu kinh doanh, ăn cắp thông tin mật, gây ra gián đoạn các dịch vụ sử dụng CNTT.
Tuy nhiên, phía Microsoft cho rằng vấn đề càng trở nên phức tạp hơn khi xuất hiện sự thiếu nhận thức và nhạy cảm với những rủi ro từ tội phạm mạng, sự yếu kém trong quản lý và điều hành CNTT, thiếu sót trong thực hành an ninh mạng và sự mất an toàn trong chuỗi cung ứng do sử dụng phần mềm không bản quyền trên quy mô lớn.
Đại diện Microsoft đánh giá, dữ liệu lớn đang trở thành một xu hướng trong giới công nghệ. Khi mạng xã hội trở thành một phần của cuộc sống, kết hợp với sự gia tăng của các thiết bị điện toán kết nối mạng sẽ tiếp tục tạo ra số lượng lớn các thiết bị, chia sẻ dữ liệu và liên tục tạo ra những nguồn dữ liệu chưa từng được khai thác.
Nhưng dữ liệu lớn cũng thu hút sự quan tâm của tội phạm mạng và với khối lượng, tốc độ và sự đa dạng chưa từng có của dữ liệu, việc đảm bảo an toàn thông tin đang trở nên đầy thách thức.
Ông Keshav Dhakad, Giám đốc Khu vực, Bộ phận quản lý các vấn đề Tội phạm trực tuyến (DCU), Microsoft Châu Á - Thái Bình Dương đánh giá: Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng CNTT, các cuộc tấn công, xâm nhập trái phép vào hệ thống mạng của cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp để phá hoại hoặc thu thập lấy cắp thông tin ngày càng gia tăng.
Theo VNCERT, tính từ tháng 12/2014 đến tháng 12/2015, Trung tâm này đã ghi nhận được tổng số 31.585 sự cố an ninh thông tin tại Việt Nam, gồm 5.898 sự cố tấn công lừa đảo, 8.850 sự cố tấn công thay đổi giao diện và 16.837 sự cố cài mã độc.
Ông Trần Trọng, Quản lý cấp cao phụ trách về an ninh mạng, công ty Pricewaterhouse Coopers cho rằng trước những con số đáng báo động trên, việc giám sát an ninh cũng như triển khai các giải pháp bảo mật đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Do đó, việc nâng cao nhận thức của người sử dụng về các mối đe dọa mạng và đưa ra những lời khuyên về việc làm thế nào để bảo vệ máy tính của họ để không trở thành một phần của mạng botnet (mạng máy tính ma) là một việc làm cấp thiết.
Theo Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA), chỉ số An toàn Thông tin của các cơ quan tại Việt Nam (VNISA Index 2015) đã tăng từ mức trung bình 39% lên 46,3% vào đầu năm nay.
Dù chỉ số này vẫn thấp hơn chỉ số chuẩn 50% nhưng thực tế cho thấy các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp đã chú ý hơn tới an toàn thông tin trong năm qua.
Tác giả bài viết: H.P
Nguồn tin: ictnews.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn