Triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính); Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ ); và Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số GDĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/4/2023, Bộ GDĐT tổ chức “Hội thảo chuyển đổi số giáo dục đại học năm 2023” tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thảo do Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì, Cục Công nghệ thông tin -Bộ GDĐT là đơn vị tổ chức. Thành phần tham dự Hội thảo gồm đại diện Tổ giúp việc Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GDĐT và Bộ Thông tin Truyền thông; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các cơ sở giáo dục đại học; một số nhóm nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Hội thảo nhằm mục đích trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục đại học theo tinh thần Đề án số 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Thảo luận về các xu hướng, công nghệ mới cho chuyển đổi số trong giáo dục đại học.
Thời gian qua cho thấy kết quả ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Bộ GDĐT nói riêng và ngành giáo dục đào tạo nói chung đã đạt được một số kết quả quan trọng; năm 2022 Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT) được vinh dự nhận giải thưởng Chuyển đổi số khối cơ quan nhà nước do Bộ Thông tin Truyền thông bảo trợ, Hội truyền thông số Việt Nam chủ trì.
Đối với giáo dục đại học, thời gian qua Bộ GDĐT đã ban hành nhiều văn bản tạo hành lang pháp lý thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, cụ thể như: Thông tư số 12/2016/TT-BGDĐT về đào tạo qua mạng, Thông tư 10/2017/TT-BGDĐT về đào tạo từ xa, Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT về quy chế đào tạo đại học, Thông tư 42/2021/TT-BGDĐT về cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo, Quyết định 4740/QĐ-BGDĐT ngày 6/12/2022 ban hành bộ chỉ số cơ sở giáo dục đại học...
Từ năm 2022, Bộ GDĐT đã xây dựng và triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học, trong đó tổng hợp thông tin dữ liệu từ tất cả các đại học, trường đại học, học viện trên cả nước gồm các nhóm dữ liệu về đội ngũ, người học, chương trình đào tạo, ngành đào tạo, cơ sở vật chất, tài chính tài sản…
Cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học sẽ được kết nối với các hệ cơ sở dữ liệu quốc gia (như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm). Dữ liệu trên cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học được sử dụng phục vụ công tác quản lý nhà nước và công tác báo cáo, thống kê về giáo dục đại học, được sử dụng thống nhất trong toàn ngành, đảm bảo tính tổng thể đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu công khai của các đại học, học viện, trường đại học.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và công tác tuyển sinh đại học đã được triển khai đồng bộ, triệt để từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển, nộp phí xét tuyển và xác nhận nhập học được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh.
Năm 2022, Bộ GDĐT đã hoàn thành triển khai, cung cấp và tích hợp dich vụ công mức độ 4 về "Đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông" và “Đăng ký xét tuyển trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non” trên Cổng Dịch vụ Công quốc gia; tích hợp nền tảng thanh toán trực tuyến cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Hệ thống dịch vụ công đã tiếp nhận hồ sơ của hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022, trong đó số học sinh đăng ký trực tuyến đạt hơn 93%; gần 3 triệu nguyện vọng xét tuyển được thí sinh đăng ký trực tuyến; 97% thí sinh đã thực hiện các hình thức thanh toán trực tuyến (không dùng tiền mặt) trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Ở phía các trường, học viện, cơ sở giáo dục đại học nhận thức về xu hướng của chuyển đổi số đã được cải thiện, ngày càng nhiều cơ sở giáo dục đại học quan tâm đầu tư triển khai chuyển đổi số, cách thức triển khai ngày càng bài bản, có hệ thống hơn nên bước đầu thu được kết quả tốt hơn.
Tại Hội thảo này các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia giáo dục, chuyên gia công nghệ sẽ tập trung thảo luận một nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, báo cáo làm rõ các kết quả và tình hình tổ chức thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GDĐT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” ở Bộ GDĐT và ở các cơ sở giáo dục đại học.
Thứ hai, tập trung thảo luận về các thuận lợi, khó khăn và trao đổi kinh nghiệm công tác triển khai chuyển đổi số trong giáo dục đại học.
Thứ ba, giới thiệu một số mô hình, giải pháp chuyển đổi số hiệu quả.
Nguồn tin: (Theo Tạp chí Giáo dục Việt Nam)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn