Tối 25/2/2016, tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện Gặp gỡ ICT Xuân Bính Thân 2016 của 14 hội, hiệp hội, câu lạc bộ về CNTT-TT gồm: Hội Tin học Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam, Hiệp hội Internet Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hội Tự động hóa Việt Nam, Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, Hội Tin học - Viễn thông Hà Nội, Hội Tin học TP.HCM, Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam và Câu lạc bộ Xuất khẩu CNTT.
Có chủ đề “Khởi nguồn giai đoạn phát triển mới 2016 - 2020”, sự kiện Gặp gỡ ICT Xuân Bính Thân 2016 có sự tham dự của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT Lê Mạnh Hà; Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải; nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Lê Doãn Hợp; nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực… cùng thành viên của 14 hội, hiệp hội, câu lạc bộ về CNTT-TT. Đây là dịp để các cơ quan trong và ngoài nước, đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT và bạn bè giới CNTT-TT giao lưu, khởi động cho những chuỗi sự kiện, hoạt động sôi nổi và thiết thực trong một năm.
Trong năm 2015 vừa qua, ngành CNTT-TT Việt Nam đã đoàn kết, hợp tác vượt qua nhiều khó khăn thách thức, đạt được nhiều kết quả khích lệ, có các đổi mới, phát triển quan trọng và duy trì là một trong những ngành kinh tế - dịch vụ có tốc độ phát triển cao nhất, hiệu quả nhất đồng hành cùng với việc duy trì tốc độ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Năm 2016, năm Bính Thân là năm giới CNTT-TT đang rất mong chờ và đón mừng những chuyển biến mới của ngành CNTT-TT. Với thành công của Đại hội Đảng lần thứ 12, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử... cùng việc Việt Nam sẽ hội nhập sâu rộng với thế giới và khu vực, giới CNTT-TT tin tưởng rằng CNTT-TT Việt Nam sẽ một lần nữa lại có "cơ hội vàng" để phát triển.
Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT đã chia sẻ 2 mong ước trong năm mới.
Mong ước thứ nhất là toàn thể cộng đồng CNTT-TT cùng chung sức thực hiệnNghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Nghị quyết đã nêu ra những công việc và thời hạn rất cụ thể cho nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam, rất mong cộng đồng CNTT-TT nước nhà sẽ góp sức để có được kết quả tốt nhất. “Khi gặp gỡ chúng tôi gặp rất nhiều doanh nghiệp nhưng khi làm thì số doanh nghiệp tham gia không nhiều. Tôi mong rằng thời gian tới số lượng doanh nghiệp tham gia và được tham gia vào việc triển khai các công việc của Nghị quyết về Chính phủ điện tử sẽ nhiều hơn nữa”, ông Hà nói.
Mong ước thứ hai của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà là thời gian tới cộng đồng CNTT-TT Việt Nam sẽ đóng góp ý kiến để Văn phòng Chính phủ có thể đưa ra được một cơ chế đầu tư, mua sắm sản phẩm CNTT phù hợp với đặc thù của ngành CNTT.
Văn phòng Chính phủ được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng cơ chế đầu tư, mua sắm sản phẩm CNTT phù hợp với đặc thù ngành CNTT. Ông Hà chia sẻ: “Thực sự đến nay chúng tôi thấy nhiệm vụ này rất khó. Khi làm thì ai cũng kêu cơ chế đầu tư, mua sắm hiện nay rất chậm, không thể làm được; thế nhưng chưa có ai nêu ra được đặc thù của ngành CNTT là gì, cần áp dụng quy định cụ thể thế nào để việc đầu tư, mua sắm sản phẩm CNTT phù hợp hơn, nhanh hơn, tốt hơn. Rất mong thời gian tới cộng đồng sẽ đóng góp ý kiến cho chúng tôi để làm sao có được cơ chế phù hợp với đặc thù ngành CNTT. Nếu không chúng ta cứ giữ nguyên cơ chế hiện nay, không nên thêm nếu như chúng ta không đưa ra được những lý lẽ thuyết phục để có được cơ chế đầu tư, mua sắm tốt nhất, phù hợp nhất”.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải mong muốn thời gian tới cộng động CNTT-TT Việt Nam sẽ có những bước phát triển nhanh, mạnh hơn. |
Khẳng định CNTT-TT là lĩnh vực có rất nhiều thế mạnh, thay mặt lãnh đạo Bộ TT&TT, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải bày tỏ mong muốn, kỳ vọng cộng đồng CNTT-TT Việt Nam sẽ có những bước phát triển nhanh hơn, mạnh hơn nữa trong thời gian tới để giúp cho Việt Nam thực sự trở thành nước mạnh về CNTT vào năm 2020.
Ở góc độ của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch nhận định: đội ngũ ICT Việt Nam đã và đang ngày càng lớn mạnh, đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước. Đánh giá cao vai trò của các hội, hiệp hội về CNTT-TT, ông Khải bày tỏ mong muốn trong năm Bính Thân và những năm tiếp theo các hội, hiệp hội CNTT-TT sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ cho hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam để thực hiện sứ mệnh là một tổ chức tập hợp đoàn kết, phát huy vai trò của tri thức Việt Nam.
Cộng đồng CNTT-TT nước nhà mong chờ những chuyển biến mới của ngành CNTT-TT trong năm Bính Thân 2016. |
Đại diện cho các hội, hiệp hội về CNTT-TT, ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam chia sẻ, cuộc gặp gỡ đầu xuân được tổ chức hàng năm chính là dịp để những người làm ICT nước nhà động viên, khích lệ nhau, liên kết hợp tác với nhau cùng đưa ngành ICT Việt Nam phát triển nhanh hơn.
Theo ông Hợp, cuộc gặp mặt đầu xuân của cộng đồng ICT Việt Nam đầu năm Bính Thân có nhiều ý nghĩa quan trọng hơn, bởi lẽ Đại hội XII vừa kết thúc đưa đến cho những người làm ICT nước nhà nhiều thông điệp vui: thứ nhất, Đảng và Nhà nước kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết góp ý, hiến kế để tiếp tục đổi mới đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; thứ hai, thông điệp của Đại hội XII coi kinh tế tư nhân là động lực phát triển của đất nước; thứ ba, mọi người dân có quyền lập hội và kinh doanh sản xuất những ngành mà nhà nước không cấm, được tự do ngôn luận; thứ tư, ngành CNTT-TT của chúng đã được coi là ngành hạ tầng của hạ tầng và là động lực cốt lõi của mọi sự phát triển đất nước trong tương lai. “Từ những thông điệp này chắc chắn ngành ICT chúng ta sẽ có những bước phát triển nhanh hơn để xứng đáng với tiềm năng của đất nước, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay”, ông Hợp nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với ông Hợp, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa cộng đồng ICT nói chung cũng như giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT. Ông Liên nhận định: “Lĩnh vực ICT thế giới vẫn đang rất sôi động, nhiều sự thay đổi, chắc chắn sẽ đem lại nhiều bất ngờ. Đây chính là cơ hội cho các hội viên cũng như cộng đồng ICT nói chung và các doanh nghiệp cùng bắt tay nhau, hợp tác để cạnh tranh với thế giới, hơn là chỉ nhìn đến việc cạnh nhau với nhau”.
Tác giả bài viết: M.T
Nguồn tin: ictnews.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn