Sợ lộ thông tin, một số địa phương chưa dám thuê dịch vụ CNTT |
Tại Hậu Giang hiện nay việc triển khai đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước vấp phải hai vấn đề rất khó giải quyết là: thiếu kinh phí và thiếu nhân lực có trình độ giỏi về CNTT. Theo ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Hậu Giang, trong 5 năm 2011-2015, tỉnh này mới đầu tư cho ứng dụng CNTT được hơn 6 tỷ đồng, bình quân mỗi năm có hơn 1 tỷ đồng nên rất khó để làm các dự án lớn về CNTT, số tiền này chủ yếu mua sắm thiết bị còn chưa đủ. Trong giai đoạn 2016-2020, Sở TT&TT đã xây dựng dự toán trình UBND tỉnh Hậu Giang để xây dựng chính quyền điện tử và đẩy mạnh ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến với dự toán ngân sách cho cả giai đoạn hơn 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh vẫn chưa phê duyệt đề án với lý do ngân sách địa phương không có để chi.
“Nguồn kinh phí trung hạn phân bổ đến năm 2020 tại Hậu Giang hiện chưa có một đồng nào cho CNTT nên không thể làm gì nếu không có tiền”, ông Tâm nói.
Một giải pháp đặt ra là nếu địa phương không đủ tiền để tự đầu tư cho CNTT, cũng như không đủ nhân lực để triển khai thì có thể thuê dịch vụ CNTT của các doanh nghiệp như VNPT, Viettel, FPT… Tuy nhiên, ông Tâm cho biết, Hậu Giang đã tham khảo kinh nghiệm của một số tỉnh, thành lớn như: Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Quảng Ninh, qua kinh nghiệm tại các địa phương đã làm trước thì điểm khó nhất khi thuê dịch vụ CNTT là nhà nước chưa có đủ độ tin cậy vào doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp cũng chưa chứng tỏ được uy tín của mình.
Thêm vào đó, ông Tâm cho hay, trong cơ quan nhà nước có nhiều thông tin, cơ sở dữ liệu mật nên không thể và không dám giao toàn bộ cho doanh nghiệp quản lý. Điều này có nguy cơ rủi ro quá lớn vì hiện tại Chính phủ vẫn chưa có văn bản pháp lý nào quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT phải chịu trách nhiệm ra sao về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các khách hàng.
Tại Hội nghị Hội đồng Giám đốc CNTT cơ quan nhà nước các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc mới đây, ông Nguyễn Văn Diệu, Giám đốc Sở TT&TT Bắc Giang nhấn mạnh: Những hệ thống thông tin quan trọng, hệ thống thông tin dùng chung mang tính phổ cập thì không nên đi thuê ngoài, chỉ thuê đối với các loại dịch vụ nhỏ lẻ, có tính công đoạn.
“Doanh nghiệp cứ nói là đảm bảo an ninh thông tin nhưng có đảm bảo hay không, chúng ta không thể biết được. Cho nên không thể có chuyện toàn bộ cơ quan nhà nước hoạt động thế nào, doanh nghiệp biết hết, có thể bán thông tin ra nước ngoài”, ông Diệu nhấn mạnh, đồng thời khẳng định việc đi thuê cũng tiềm ẩn rủi ro khi trong trường hợp các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT phá sản thì các hệ thống CNTT của cơ quan Nhà nước cũng dễ “sập” theo.
Trao đổi tại Hội nghị Hội đồng Giám đốc CNTT cơ quan nhà nước các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, đại diện Vụ CNTT, Bộ TT&TT cho hay, hiện nay một số Bộ ngành, địa phương xem xét để chuyển đổi những nhiệm vụ, dự án đã được phê duyệt dưới hình thức đầu tư, mua sắm sang hình thức thuê dịch vụ.
Tác giả bài viết: M.Q
Nguồn tin: ictnews.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn